Các phương pháp xăm hình truyền thống mất nhiều thời gian vì nhiều công cụ được sử dụng và nỗi đau mà người xăm phải chịu đựng. | Uhi Tā Moko (dụng cụ xăm hình) vào thế kỷ 19 (1800 – 1900) (Ảnh: Tepapa) và Tā moko vào năm 1906 (Ảnh: Leslie Hinge).
Xăm maori được áp dụng bằng cách sử dụng đục từ một công cụ cắt cỡ nhỏ, được làm từ xương albatross (chim hải âu lớn), đôi khi là bằng sắt và một số sắc tố ngoài tự nhiên khác. Kỹ thuật này khác với những phương pháp kim được sử dụng trong nhiều quy trình xăm hình khác để tạo ra các rãnh đặc biệt trên da. Người xăm tạo ra những vết cắt sâu trên da và dùng đục nhúng vào sắc tố để gõ vào những vết cắt này. Một phương pháp khác là nhúng đục vào hộp đựng sắc tố rồi dùng vồ đập vào đục. Thao tác này sẽ đâm thủng da và truyền sắc tố vào bên dưới da.
Vì vậy, quy trình xăm hình của người Maori là một quá trình khá đau đớn vì kỹ thuật không khác gì như khắc gỗ để xăm vậy. Hoàn toàn không có thuốc giảm đau và một khi đục, khắc trên da rõ ràng là đau hơn nhiều nếu so với sử dụng kim xăm hiện nay. Do đó, chỉ có một vài bộ phận cơ thể được xăm cùng một lúc, điều này sẽ giúp người xăm có thời gian để chữa lành. Còn với mực xăm, người Māori sẽ sử dụng các thành phần khác nhau để làm, chẳng hạn như con côn trùng bồ hóng (hay còn gọi là con sâu bướm, người Maro gọi là awheto), và khi được trộn với nước, dầu cá hoặc nhựa từ mahoe (gỗ trắng quý hiếm) và poroporo (cây cà độc dược đen) là sẽ ra “thành phẩm”. Nếu xăm trên mặt thì phải cần mực sẫm màu hơn, họ sẽ sử dụng pukepoto, một loại đất sét màu xanh đậm tạo cho mực có màu xanh.
Nhưng dù thế nào đi nữa, trong giai đoạn xã hội Maori, việc nhận được một Tā Moko là một sự kiện văn hóa quan trọng. Nó thường được thực hiện trong thời kỳ thay đổi hoặc nghi lễ chuyển giao. Nam giới thường nhận được Moko trên mặt (nội dung phía dưới sẽ giải thích rõ ràng hơn), mông và đùi, trong khi phụ nữ chủ yếu có các thiết kế trên môi và cằm.
Một hòn đảo tại New Zealand hiện tại
Xăm hình như một hình thức nghệ thuật bắt đầu trở nên phổ biến vào cuối thế kỷ 20. Trong 2 thập kỷ vừa qua, xăm Maori đã có sự hồi sinh mạnh mẽ. Nền văn hóa xăm hình mạnh mẽ trên các đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả Samoa, cũng đã giúp hồi sinh hình thức nghệ thuật này ở New Zealand. Thời điểm hiện tại trên toàn thế giới, đã có nhiều cộng đồng đón nhận hình xăm Maori này. Và sự hồi sinh này cũng tôn vinh văn hóa và bản sắc Maori nhưng cũng đặt ra vài vấn đề xung quanh liên quan đến việc chiếm đoạt văn hóa.
Các nghệ sĩ xăm nghệ thuật và các nhà lãnh đạo Maori nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ ý nghĩa văn hóa của Tā Moko trước khi thực hiện một hình xăm. Vì họ cho rằng Tā Moko vẫn là biểu tượng đáng tự hào của di sản và bản sắc Maori, tôn vinh quá khứ trong khi xã hội đương đại vẫn liên tục phát triển mỗi lúc một nhanh hơn. Đối với những người trong cộng đồng Maori, nó vẫn tiếp tục đóng vai trò là lời nhắc nhở mạnh mẽ về dòng dõi và quyền khai sinh văn hóa của họ.
Chẳng hạn như xăm Maori trên khuôn mặt đã suy giảm từ giữa thế kỷ 19 như đã chia sẻ ở trên vì họ bị những người định cư châu Âu phản đối vì họ cho rằng thực hành này là không theo đạo Thiên chúa. Theo truyền thuyết trước đây kể lại, đàn ông sẽ được trang trí bằng mataora (từ tiếng Māori có nghĩa là cuộc sống), một hình xăm trên mặt tượng trưng cho vị trí của họ trong xã hội. Trong văn hóa Māori, đầu có tính thiêng liêng cao và hình xăm trên mặt có ý nghĩa to lớn. Điều quan trọng là các tù trưởng hoặc những người có địa vị xã hội cao có thể được nhận dạng thông qua hình xăm của họ. Mà Mataora cũng là tên của một người rangatira Māori (quý tộc thánh thiện), câu chuyện của ông bao gồm các chủ đề về cảm xúc, sự cứu rỗi, chữa lành, nhân tính và nghệ thuật; và một phần liên quan đến sự ra đời của xăm Maori mà chúng tôi đã thông tin ở trên.
Ngày nay, việc xăm Maori trên mặt này đã được khôi phục, với nhiều người Māori, bao gồm cả các nhà lãnh đạo và doanh nhân nổi tiếng, lựa chọn nhận moko kanohi (moko được viết tắt từ Tā Moko nhìn lướt qua cũng có thể hiểu được, còn kanohi của người Maori có nghĩa là khuôn mặt, nên tròn nghĩa của chữ này được hiểu là: hình xăm trên khuôn mặt) và moko kauae (hình xăm ở trên hàm/cằm). Moko kauae thì “dễ thở” hơn vì nó tượng trưng cho mối liên hệ của người phụ nữ với whānau (gia đình) và vai trò lãnh đạo của cô ấy trong cộng đồng. Nó đóng vai trò như một sự công nhận về whakapapa (phả hệ), địa vị và khả năng của người phụ nữ ấy. Truyền thống này vẫn còn cho đến ngày nay và đã được truyền qua nhiều thế hệ, bắt nguồn từ huyền thoại về Niwareka đã nói ở trên.
Hình thức xăm hình nghệ thuật này cũng đang ngày càng phổ biến trong số những người không phải là người Māori. Tuy nhiên, đối với họ, phong cách này được gọi là kirituhi, có nghĩa là hình xăm không theo truyền thống, không tuân theo một vài nghi thức của người Māori hoặc không sử dụng các họa tiết Maori cụ thể. Thật sự, bản sắc người Māori rất phức tạp và bao gồm rất nhiều khía cạnh, bao gồm tổ tiên, văn hóa, ngôn ngữ và mối quan hệ cộng đồng. Mà bây giờ để có thể hiểu hết, hiểu rõ về họ thì không hề dễ dàng, vì thế, nếu bạn vẫn muốn tìm hiểu tường tận về phong cách xăm hình, nguồn gốc, lịch sử của Māoro thì chỉ có thể đặt sách từ nước ngoài về khám phá thêm.
Dù có một số thông tin không chính xác là những người Māori ngày nay vẫn có duy trì mối liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc Māori của họ. Nhưng mà khái niệm “huyết thống” được coi là hơi lỗi thời trong các cuộc thảo luận đương đại về bản sắc, vì không ai có thể nắm bắt đầy đủ sự phong phú và đa dạng của văn hóa, xã hội, cộng đồng Māori hiện tại được. Và có một người cho rằng mình đã sinh sống ở New Zealand từ năm 1965 đến nay, và khẳng định, bây giờ tại đất nước này không còn ai là người Maori thuần chủng nữa. Thôi thì đó là lịch sử, là quá khứ rồi, bạn hiểu biết đến đây là tạm đủ và vừa vặn rồi, ngày nay, hình xăm Maori sẽ được thực hiện bằng kim sử dụng súng xăm, mặc dù một số nghệ sĩ có thể sử dụng cả phương pháp cầm kim bằng tay truyền thống trong suốt quá trình thực hành của họ.
(Được tham khảo từ các nguồn: https://www.newzealand.com, https://www.wisemove.co.nz, Te Ara © Bách khoa toàn thư New Zealand, Wikipedia | Ảnh: Wallace Fonseca, Aaron Mickan, sưu tầm)